TẤM LÒNG HIẾU THẢO CỦA BA TRONG HAI CÂU ĐỐI
Câu Kinh Thánh: “Hỡi cha mẹ, hãy dạy dỗ con cái theo sự dạy dỗ và khuyên bảo của Chúa.” (Ê-phê-sô 6:4)
Hai câu đối:
“Lạ lùng thay thương hải biến tang điền,
Nước có đó mà nhà không còn nữa.
Đau đớn quá sanh ly thành tử biệt,
Con về đây mẹ đã đi rồi.”
Những câu chữ đơn sơ nhưng chất chứa nỗi lòng của một người con hiếu thảo, viết trong hoàn cảnh khốn khó, đầy đau thương. Ba tôi, giữa cảnh đời tù tội nơi trại cải tạo, hay tin mẹ – người ông yêu kính nhất – đã qua đời, lòng đau đớn khôn nguôi. Trong nỗi đau ấy, ông không than trách số phận, không kêu than bất mãn, nhưng để lại hai câu đối, như lời tri ân sâu sắc dành cho bà nội, và là lời nhắc nhở thiêng liêng cho con cháu.
Hôm nay, tôi trở về viếng mộ bà nội, đọc lại hai câu đối ấy, lòng tôi không khỏi xúc động. Qua hai câu đối tôi nhận ra rằng:
1. Sự Đổi Thay Trong Cuộc Đời
“Lạ lùng thay thương hải biến tang điền,
Nước có đó mà nhà không còn nữa.”
Cuộc đời giống như biển cả, rộng lớn và bao la, nhưng cũng đầy đổi thay. Một thời nhà cửa sum vầy, nay chỉ còn lại nỗi quạnh hiu. Câu thơ như lời cảm thán trước sự vô thường của cuộc sống. Dẫu vậy, trong sự đổi thay ấy, tôi hiểu rằng tất cả nằm trong kế hoạch tể trị của Chúa. Ngài dạy rằng:
“Trời đất sẽ qua đi, nhưng lời ta chẳng hề qua đi.” (Ma-thi-ơ 24:35)
Mọi thứ trong đời đều đổi thay, nhưng tình yêu và sự chăm sóc của Chúa vẫn luôn bền vững. Chính điều này là nguồn hy vọng cho tôi và gia đình, giúp chúng tôi nhận ra giá trị của sự yêu thương, gắn kết và tôn kính tổ tiên.
2. Nỗi Đau Sanh Ly Tử Biệt
“Đau đớn quá sanh ly thành tử biệt,
Con về đây mẹ đã đi rồi.”
Câu thơ này chứa đựng nỗi đau đớn tột cùng của một người con không thể gặp lại mẹ lần cuối. Trong sự xa cách, ba tôi bày tỏ lòng tiếc nuối nhưng không để lòng mình chìm đắm trong tuyệt vọng.
Là người tin kính Chúa, tôi biết rằng nỗi đau tử biệt chỉ là tạm thời. Chúa Giê-su phán rằng: “Ta là sự sống lại và là sự sống; kẻ nào tin ta thì sẽ sống, mặc dù đã chết rồi.” (Giăng 11:25)
Dù ba tôi không thể gặp bà nội trước khi bà qua đời, tôi tin rằng họ sẽ được đoàn tụ trong cõi đời đời, nơi không còn nước mắt và đau khổ. Đây cũng là hy vọng và niềm tin của chúng tôi hôm nay.
3. Tấm Lòng Hiếu Thảo – Bài Học Để Lại
Qua hai câu đối, tôi cảm nhận được tấm lòng hiếu thảo sâu sắc của ba dành cho bà nội. Đó không chỉ là nỗi tiếc thương, mà còn là lời nhắc nhở rằng con cháu chúng ta phải biết hiếu kính cha mẹ, không chỉ bằng lời nói, mà còn bằng hành động.
Kinh Thánh dạy rằng: “Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi, hầu cho ngươi được phước và sống lâu trên đất.”(Ê-phê-sô 6:2-3)
Sự hiếu thảo không chỉ là bổn phận, mà còn là cách chúng ta sống đẹp lòng Chúa. Tôi cầu xin Chúa giúp anh em chúng tôi sống yêu thương, gắn bó với nhau và luôn làm vinh hiển danh Ngài qua đời sống hiếu kính với cha mẹ, tổ tiên.
Kết Luận
Hai câu đối không chỉ là nỗi lòng của một người con giữa hoàn cảnh đau thương, mà còn là một di sản tinh thần quý báu, nhắc nhở chúng tôi về sự yêu thương, gắn kết gia đình và lòng biết ơn.
Hôm nay, khi đứng trước mộ bà nội, tôi nguyện xin Chúa thêm sức và giúp đỡ anh em chúng tôi sống đẹp lòng Ngài, yêu thương và hiếu kính với cha mẹ, như lời Chúa dạy.
“Hỡi cha mẹ, hãy dạy dỗ con cái theo sự dạy dỗ và khuyên bảo của Chúa.” (Ê-phê-sô 6:4)
Nguyện xin danh Chúa được tôn cao qua đời sống chúng tôi.
A-men.
Trà Giang
No Comment! Be the first one.